Tổng Bí thư Đỗ_Mười

Nhiệm kỳ 1: (1991 – 1996)

Đối nội

Tại Đại hội lần thứ 7, Nguyễn Văn Linh từ chức Tổng Bí thư vì sức khỏe kém.[8] Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư tại phiên họp lần thứ nhất của Đại hội 7.[8] Đỗ Mười trở thành nhà lãnh đạo trên thực tế của những chính trị gia bảo thủ; các quan chức đảng, nhà tư tưởng và những người ủng hộ sự thống trị nền kinh tế của nhà nước đã ủng hộ ông.[8] Trong khi đó, Võ Văn Kiệt, thủ tướng, trở thành người đứng đầu phe cải cách, và Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước, một đại diện cho phe quân sự.[8]

Sự phân chia quyền hành pháp dẫn đến việc cải tổ Hiến pháp năm 1992[9]. Hiến pháp đã giảm quyền hạn của Tổng Bí thư và trong khi hiến pháp coi Tổng Bí thư là lãnh đạo của đảng, ông không có quyền hành pháp hoặc lập pháp.[9] Tuy nhiên, Điều 4 nhấn mạnh vai trò của Đảng Cộng sản là "lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội", tạo cho Tổng Bí thư quyền điều chỉnh chính sách tổng thể.[9] Hiến pháp 1992 đã dẫn đến sự biến mất của những nhân vật cứng rắn trong đảng như Lê Duẩn.[10] Theo lời của chính Đỗ Mười: "Trong việc lãnh đạo xây dựng bộ máy nhà nước và bổ nhiệm các quan chức nhà nước, Đảng đưa ra quan điểm, nguyên tắc và định hướng hướng dẫn liên quan đến việc tổ chức bộ máy nhà nước, [Đảng] xem xét và đưa ra những gợi ý về các điểm mà Nhà nước nêu ra, sau đó để Nhà nước ra quyết định."[10]

Tại Đại hội 7, phần lớn ghế của Bộ Chính trị đã thuộc về những người theo phe bảo thủ.[11] Cùng với nhóm quân sự/an ninh mới nổi trong Bộ Chính trịBan Chấp hành Trung ương, các nhà lãnh đạo mới của đảng tập trung vào an ninh và tính ổn định hơn các lãnh đạo tiền nhiệm.[11] Năm 1994, 4 thành viên mới được bổ nhiệm vào Bộ Chính trị, tất cả đều phản đối cải cách cấp tiến.[12] Mặc dù được thực hiện một cách thận trọng, việc cải tạo kinh tế đã chứng minh sự thành công và tăng trưởng kinh tế cao giữa các Đại hội Đảng lần thứ 7 và thứ 8 trung bình là 8%/năm.[12] Tốc độ tăng trưởng này không thể duy trì bền vững trong thời gian dài nếu không gia tăng cải cách. Tuy nhiên, phe bảo thủ tin rằng điều này sẽ dẫn đến sự bất ổn và thậm chí có thể đe dọa sự cầm quyền của đảng.[13] Phe cải cách thì hỗ trợ thay đổi, tin rằng tăng trưởng nhanh hơn sẽ giúp tăng cường an ninh.[13] Tuy nhiên, với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990, tốc độ tăng trưởng giảm mạnh xuống còn 2%.[13]

Cuộc đấu tranh trong nội bộ đảng xảy ra giữa Đại hội Đảng lần thứ 7 và thứ 8, làm tê liệt sự lãnh đạo đất nước.[14] Trong khi các nhà cải cách do Võ Văn Kiệt lãnh đạo muốn đưa Việt Nam gia nhập nền kinh tế toàn cầu bằng các phương tiện tự do tân tiến – có nghĩa là tách biệt hoàn toàn với kinh tế kiểu Lenin – trong khi những người bảo thủ muốn nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa bị chi phối bởi các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam, lấy nguyên mẫu từ thành công của mô hình Chaebol của Hàn Quốc.[14] Cách tiếp cận nhằm đạt đồng thuận của đảng đã nhanh chóng chấm dứt. Trong một bức thư năm 1995 gửi Bộ Chính trị, sau đó bị rò rỉ đến cánh báo chí, Võ Văn Kiệt đã viết "để huy động trí tuệ của tất cả mọi lực lượng trong Đảng, phải có dân chủ không thỏa hiệp."[14]. Võ Văn Kiệt đã phê phán phe bảo thủ, tuyên bố rằng kinh tế nhà nước phải thu hẹp lại để phát triển kinh tế tư nhân. Ông nói rằng Việt Nam phải từ bỏ quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, ngăn chặn việc Đảng Cộng sản can thiệp vào các vấn đề của chính phủ và phải đặt vấn đề quốc gia lên trên các vấn đề của chính phủ.[14] Đáp lại, những người bảo thủ đã cử Nguyễn Hà Phan đi các tỉnh khắp đất nước để chỉ trích Võ Văn Kiệt rằng ông ta đã xa rời khỏi chủ nghĩa xã hội.[14] Khi cuộc đấu tranh quyền lực tiếp tục, Tổng Tham mưu trưởng Đào Đình Luyện bị mất chức vì ủng hộ cải cách và Nguyễn Hà Phan đã bị loại ra khỏi Bộ Chính trị và bị quản thúc tại gia vào tháng 4 năm 1996.[15]

Những người bảo thủ đã khởi xướng một chiến dịch do Đào Duy Tùng,Thường trực Bộ Chính trịtổng biên tập Tạp chí Cộng sản đứng đầu.[15] Nhờ có sự ủng hộ trong đảng, Đào Duy Tùng đã lấy được quyền kiểm soát chưa từng có đối với sắp xếp nhân sự và dự thảo báo cáo chính trị cho Đại hội lần thứ 8, tuy nhiên, tại cuộc họp lần thứ 10 của Đại hội 7, ông bị buộc tội "hành vi phản dân chủ", lạm dụng quyền lực và không được tái đắc cử vào Bộ Chính trị, chỉ chiếm 10% số phiếu.[16] Thất bại của Đào Duy Tùng, người được chọn kế nhiệm Đỗ Mười, đã dẫn đến một sự thỏa hiệp: Tổng Bí thư, Thủ tướng và Chủ tịch nước đã được tái đắc cử tại Đại hội 8 mà không có đa số phiếu vì cuộc đấu tranh quyền lực giữa phe cải cách và phe bảo thủ[16]. Tuy nhiên, thay đổi đáng kể trong lãnh đạo đảng đã xảy ra và lần đầu tiên trong nhiều năm, các nhân vật trung ương bị mất ghế cho các nhân vật và các quan chức cấp tỉnh – chỉ có 8,9% các thành viên của Ban Chấp hành Trung ương mới đến từ bộ máy trung ương, trong khi 67% các thành viên mới có xuất thân cấp tỉnh hoặc chính phủ.[16]

Đối ngoại

Tại hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương khóa 7 (từ ngày 14 tới 18 tháng 7 năm 1992), Đỗ Mười tái khẳng định tầm quan trọng của chính sách đối ngoại của đảng. Ông nhấn mạnh thêm "chính sách đối ngoại đóng một vai trò ngày càng quan trọng... Chúng ta nhận ra rằng trong thời đại hiện tại, không có quốc gia nào – bất kể mức độ phát triển cao thế nào – có thể đóng cửa [trước] thế giới. Với quốc gia có điểm khởi đầu rất nghèo nàn như Việt Nam, điều rất quan trọng là phải nỗ lực để tiếp cận được các nguồn lực bên ngoài."[17] Trong khi tìm kiếm quan hệ với các nước phương Tâytư bản, Đỗ Mười khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ tốt đẹp với "phong trào xã hội chủ nghĩa vì chủ quyền quốc gia, liên kết với Phong trào không liên kết và tất cả các lực lượng hòa bình và tiến bộ khác trên toàn thế giới."[17] Ông bày tỏ về sự lo ngại của đảng rằng chính sách đối ngoại cởi mở sẽ làm suy yếu an ninh quốc gia: "Trong vài năm qua, các lực lượng thù địch đã không ngừng thực hiện các hành động phá hoại nước ta. Tuy nhiên, các mưu đồ và hành động tối tăm của chúng đều bị người dân ta vạch trần.”[17] Ý ông nói rằng trong khi Việt Nam sẽ tìm cách tăng cường sự hiện diện trên bình diện quốc tế, những mối quan hệ này sẽ không được phép thay đổi bản chất của chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam.[18]

Sau khi cuộc đảo chính tháng 8 thất bại tại Liên Xô và dẫn đến giải thể đất nước này, Đỗ Mười chính thức thừa nhận những thay đổi, nói với một nhóm cán bộ "Chủ nghĩa xã hội không còn tồn tại ở Liên Xô và các hoạt động của Đảng Cộng sản đã bị cấm."[19]. Trong khi bày tỏ thái độ tiếc thương với việc Liên Xô bị giải thể, Việt Nam công nhận Cộng đồng các Quốc gia Độc lập ngày 27 tháng 12 năm 1991 và xây dựng quan hệ với các quốc gia này.[20]

Vào ngày 27 tháng 6, sau cuộc bầu cử đưa Đỗ Mười lên làm Tổng Bí thư, Giang Trạch Dân, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã dùng dịp này để chúc mừng Đỗ Mười và tuyên bố rằng ông hy vọng quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ được bình thường hóa, ở quy mô nhà nước cũng như quy mô đảng.[21] Trong một loạt các cuộc họp vào tháng 7, mối quan hệ giữa hai nước tiếp tục được cải thiện và Lê Đức Anh được Đảng Cộng sản Trung Quốc mời sang thăm Trung Quốc.[21] Bình thường hóa quan hệ xảy ra vào tháng 11 khi Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt đến thăm Trung Quốc và tổ chức các cuộc thảo luận với Giang Trạch DânThủ tướng Lý Bằng sau đó đã dẫn đến một hiệp nghị gồm 11 điểm.[22] Các mối quan hệ tiếp tục được cải thiện vào năm 1992, khi một số cán bộ Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc gặp nhau.[22]

Với sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sảnĐông Âu, Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, đã bắt đầu ủng hộ việc thành lập một liên minh xã hội chủ nghĩa mới gồm Trung Quốc, Liên Xô, Bắc Triều Tiên, Cộng hòa Nhân dân Mông CổViệt Nam.[23] Một báo cáo lưu hành tại Trung Quốc vào tháng 8 năm 1991 đã hỗ trợ hình thành một liên bang xã hội chủ nghĩa quốc tế rời rạc của các nước xã hội chủ nghĩa còn lại.[23] Đảng Cộng sản Việt Nam chia sẻ tình cảm của Đảng Cộng sản Trung Quốc và chuyển sang tăng cường quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa còn lại; quan hệ với Cuba đã được nhấn mạnh và Việt Nam đã ký một hiệp định kinh tế và thương mại với Bắc Triều Tiên vào năm 1991.[24] Tính khả thi của một liên bang xã hội chủ nghĩa lỏng lẻo sẽ phụ thuộc vào các nước xã hội chủ nghĩa còn lại bỏ qua những khác biệt của họ và nhấn mạnh lợi ích chung; tuy nhiên, căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn còn gây nghi ngờ.[24] Với sự tan rã của Liên Xô vào tháng 12 năm 1991, Trung Quốc đã từ bỏ ý tưởng này.[25]

Trong khi quan hệ giữa Việt Nam và Lào đã không còn ở mức "đặc biệt" sau khi Việt Nam rút quân, hai nước vẫn chia sẻ ý thức hệ.[26] Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt đã thực hiện các chuyến đi riêng rẽ đến Lào vào năm 1992. Đỗ Mười đã dẫn đầu phái đoàn đến viếng Kaysone Phomvihane, cố Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (LPRP).[27] Tuy nhiên, tại Đại hội LPRP lần thứ 5, các nhà lãnh đạo Lào đã khẳng định Trung Quốc là đối tác nước ngoài quan trọng nhất của nước này.[26]

Vào tháng 2 năm 1992, Trung Quốc đã thông qua một đạo luật tuyên bố sở hữu toàn bộ Biển Đông.[28] Khi vấn đề này được thảo luận tại Quốc hội Việt Nam, một cuộc tranh luận riêng tư, căng thẳng đã diễn ra.[28] Trong khi một số người kêu gọi trừng phạt kinh tế hoặc thậm chí can thiệp quân sự, theo lời khuyên của Ban Đối ngoại Trung ương, một tuyên bố được thông qua như một cách phản ứng tốt nhất cho vấn đề này.[28] Nguyễn Văn Linh đến thăm Trung Quốc để thảo luận về đạo luật mới, nhưng trong chuyến thăm, các quan chức Trung Quốc đã ký một thỏa thuận với Tập đoàn Năng lượng Crestone để thăm dò trên thềm lục địa của Việt Nam.[28] Tại hội nghị lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương khóa 7, những lời chỉ trích Trung Quốc rất dữ dội và Đỗ Mười đã cáo buộc Trung Quốc theo chủ nghĩa bá quyền.[28] Năm 1995, Đỗ Mười dẫn đầu một phái đoàn sang Trung Quốc[29], gặp Giang Trạch Dân, Lý Bằng và những người khác.[30]

Nhiệm kỳ 2 (1996 – 1997):

Đối nội

Trước Đại hội Đảng lần thứ 8, sự bế tắc giữa phe bảo thủ và cải cách vẫn tiếp tục.[31] Trong khi những tin đồn cho rằng Đại hội Đảng lần 8 sẽ bị trì hoãn, những người bảo thủ và các nhà cải cách đã có thể thỏa hiệp tại hội nghị thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khóa 7.[31] Ban Chấp hành Trung ương khóa 8 được Quốc hội bầu và 54% số thành viên được bầu là đương nhiệm.[32] Trong số 19 thành viên, 9 người đã từ chức tại Đại hội Đảng lần thứ 8.[31] Ban Bí thư đã bị bãi bỏ tại Đại hội này và được thay thế bởi Thường vụ Bộ Chính trị; Đỗ Mười là một trong năm thành viên của cơ quan mới này.[31] Trong khi Thường vụ Bộ Chính trị ban đầu được hình thành để thay thế Bộ Chính trị là cơ quan ra quyết định cao nhất của đảng, sự phản đối từ phía Ban Chấp hành Trung ương cáo buộc Bộ Chính trị hành xử theo kiểu phản dân chủ đã khiến Thường vụ Bộ Chính trị có quyền hạn không khác mấy so với Ban Bí thư trước đây.[33] Đại hội Đảng lần thứ 8 thất bại trong việc đáp ứng cuộc đấu tranh quyền lực tiếp diễn trong Ban Chấp hành Trung ương khóa 7.[33] Sau này, Đỗ Mười nói với các phóng viên trong Quốc hội: "Tôi nghĩ chúng ta sẽ phải đẩy nhanh tiến độ phát triển. Phát triển chậm có nghĩa là đói, phải không nào? Nhưng đồng thời tôi muốn thấy hiệu quả và sự ổn định. Nếu chúng ta chạy quá nhanh và có vật cản trên đường thì có thể bị ngã."[33]

Đối ngoại

Đỗ Mười đã tham dự Đại hội lần thứ sáu của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (tổ chức năm 1996).[34]

Từ chức

Tại Đại hội Đảng lần thứ 8 ngày 29 tháng 12 năm 1997, Đỗ Mười từ chức Tổng Bí thư và Bí thư Ủy ban Quân sự Trung ương, Lê Khả Phiêu kế nhiệm.[35] Theo Carlyle Thayer: "Hội nghị [trung ương] 4 đã kết thúc giai đoạn chuyển đổi lãnh đạo đã được tiến hành từ Đại hội Đảng lần thứ 8 năm 1996, nhưng không giải quyết được sự phân hóa bên trong Đảng giữa hai phe cải cách và bảo thủ."[35] Đỗ Mười, cùng với Võ Văn KiệtLê Đức Anh, được bổ nhiệm vào Hội đồng Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, nơi ông ở lại cho đến khi giải thể ban này vào năm 2001.[36] Sau khi từ chức, ông vẫn là một nhân vật có ảnh hưởng trong chính trị Việt Nam và tạo nên tác động đáng kể đối với các quyết định của Đảng Cộng sản.[37]